Những tuần gần đây, mình đọc một số bài viết về nạn phân biệt chủng tộc ở Mĩ, chủ yếu là từ trải nghiệm cá nhân của từng người. Cho đến rất gần đây, mình vẫn nhìn việc phân biệt chủng tộc này từ một góc rất hạn hẹp: góc độ cá nhân. Bạn Trang Quạ viết: “sự kì thị này ăn sâu vào tiềm thức của các cá thể trong cộng đồng”. Mình đồng ý.

Nhưng vấn đề chủng tộc ở Mĩ lớn hơn từng cá thể rất nhiều!

Kể cả bài viết được chia sẻ rộng rãi (bởi cả giáo sư Ngô Bảo Châu) của anh Nguyen Dang Thanh, mặt dù lên án rất tốt việc nhiều người phạm sai lầm lớn khi họ so sánh người Mĩ gốc Phi và gốc Á, mình thấy vẫn hơi rời rạc và chưa nhấn mạnh đủ vì sao người Mĩ gốc Phi lại khó “đi lên” đến vậy. Trang Wiki tiếng Việt về nạn phân biệt chủng tộc chỉ nói sơ sơ về vài biến cố bi thảm đã xảy ra cho một số người Mĩ gốc Phi, không cung cấp một cách nhìn toàn diện về lịch sử thê lương mà những người nô lệ bị bắt cóc từ châu Phi này đã trải qua trong 400 năm qua.

Mình không có bằng tiến sĩ Lịch sử nước Mĩ, nhưng mình đã đọc, nghe, xem và học hỏi được rất nhiều trong 10 năm ở đây. Mình xin được chia sẻ một vài điều mình tâm huyết, đặt biệt là sau khi xem bộ phim tài liệu 13th.

Sau cuộc nội chiến Hoa Kì, Sửa đổi thứ 13 trong Hiến pháp Mĩ được thông qua năm 1865, chế độ nô lệ ở Mĩ được bãi bỏ. Tuy nhiên, bây giờ người da trắng thiếu nhân công vì những người nô lệ da đen được tự do, không phải làm cho người da trắng nữa. Chính vì thế, luật pháp đưa ra sau thời kì này chủ yếu là để khống chế người da đen, tội nhỏ tính thành tội lớn, và khi họ không trả được tiền phạt Nên nhớ, những người freedmen này mới được giải phóng khỏi chế độ nô lệ, họ lấy đâu ra tiền?! thì chính quyền bắt giam họ, cho những ông lớn vay họ để tiếp tục tận dụng lao động không công - chẳng khác gì thời kì nô lệ. Những luật lệ mới này (đặc biệt là ở các bang phía Nam) còn bao gồm không cho người da đen vào bồi thẩm đoàn, huống hồ những vị trí chính trị lớn hơn. Xin nhấn mạnh là vai trò của bồi thẩm đoàn cực kì quan trọng: chính họ chứ không phải thẩm phán là những người quyết định xem bị cáo có tội hay không!

Trong thời gian này, khoảng giữa thế kỉ 19, nổi bật trong điện ảnh Mĩ là nhân vật Jim Crow - đóng bởi một diễn viên da trắng, tô mặt đen, vào vai một anh chàng da đen nguy hiểm, mặc đồ rách rưới, chuyên gia hãm hiếp các cô gái da trắng. Bạn nghĩ mà xem, khi nhiều kênh truyền hình toàn quốc chiếu Jim Crow như vậy thì làm sao công dân họ nghĩ khác về người da đen được? Từ trước đến giờ, chính phủ Mĩ rất giỏi việc dùng phương tiện truyền thông để tẩy não người dân, để họ sợ và ghét người da đen. Họ gọi những đứa trẻ da đen mới lớn là “động vật”. Đến cả chính những bà mẹ da đen cũng tin là con mình có tội. Hình tượng Jim Crow ảnh hưởng mãi đến tận cuối thế kỉ 19 (và mình nghĩ thật sự là đến cả hiện tại) đến nỗi cái tên của nhân vật được dùng để gọi một bộ luật mới, bộ luật Jim Crow.

Bộ luật mới này hợp pháp hoá và củng cố việc phân biệt chủng tộc, đàn áp thiểu số, đẩy họ vào diện “công dân hạng hai” ở miền Nam nước Mĩ. Những bất công người Mĩ da đen phải chịu mà bạn xem trên TV là từ thời kì này mà ra. Họ không được bầu cử. Không được vào công viên. Họ phải ngồi trong toa tàu dành cho người da màu. Dùng vòi nước cho người da màu. Nhà vệ sinh cho người da màu. Lối đi cho người da màu. Cùng thời kì này, những nhóm tội phạm có tổ chức bắt đầu treo cổ những người da đen vô tội. Đỉnh điểm của những vụ treo cổ này là vào năm 1892, sau khi đảng Dân chủ miền Nam giành lại quyền kiểm soát các cơ quan chính phủ. Thời kì Jim Crow này kéo dài đến gần cả một thế kỉ. Mãi đến những năm 1950s, phong trào dân quyền bắt đầu, và đến khi Đạo luật dân quyềnĐạo luật quyền bầu cử ra đời năm 1964 và 1965 thì coi như thời kì Jim Crow mới kết thúc.

Bạn đọc đến đây thì chắc thở phào nhẹ nhõm. OK may quá, cuối cùng sau hơn 400 năm dưới chế độ nô lệ, thời kì Jim Crow cùng rất nhiều đấu tranh thì việc phân biệt chủng tộc một cách hệ thống từ quan cấp nhà nước cao nhất ở Mĩ cũng chấm dứt. Nhưng thực tế lịch sử thì không được màu hồng như vậy.

Ngay sau khi Đạo luật quyền bầu cử được thông qua, chính quyền Mĩ bắt đầu chiến dịch chống ma tuý. Bắt đầu từ tổng thống Nixon, xong đến Ronald Reagan, sau này Bill Clinton cũng vào cuộc. Cả hai vợ chồng Bill and Hillary Clinton về sau đã thừa nhận là chiến dịch này là một sai lầm. Nước Mĩ bắt đầu đổ rất nhiều tiền vào bộ công an và hệ thống tù giam. Cảnh sát bắt đầu bắt giam những người da đen (nhiều người không dính líu đến ma tuý) và bỏ tù họ rất lâu. Hiện tượng này gọi là “mass incarceration” - tống giam hàng loạt, và đó là lí do vì sao nước Mĩ chỉ chiếm 5% dân số thế giới nhưng có tận 1 /4 số tù nhân của cả địa cầu.

Nhưng sự thật còn đau đớn hơn như vậy nữa. Người Mĩ gốc Phi vẫn rất nghèo. Họ không có tiền mua ma tuý “xịn”. Họ dùng crack (loại thuốc viên rẻ tiền). Người da trắng dùng cocaine (loại bột). Cả hai đều là C17H21NO4. Nhưng nếu anh chỉ cần có trong người 5 gram crack thôi, là anh chàng da đen phải vào tù 5 năm. Trong khi với bột cocaine, anh da trắng phải cầm tận nửa kí mới bị tù lâu như vậy. Bạn thấy chính sách của họ quỷ quyệt không?

Có thể bạn sẽ thốt lên “Ôi thì đừng có phạm tội?”

Trước đây, mình cũng nghĩ là mỗi người đều có ý chí tự do. Nếu bạn đủ chí lực thì bạn sẽ vươn lên được. Có cá nhân làm được điều này. Nhưng với số đông người Mĩ gốc Phi, làm sao mà không phạm tội được khi mà cả hệ thống chính quyền đều muốn bắt giam bạn, chỉ chờ bạn sơ hở là sẽ hùa vào còng tay bạn, hay cả khi bạn không làm gì sai trái cũng bắt chết bạn, chỉ vì bạn “nhìn có vẻ đáng nghi”?

(còn tiếp…)

Tái bút

Trong bộ phim Cloud Atlas, có một đoạn anh nô lệ Autua nói với luật sư Ewing: “Ông không giúp tôi được thì ông làm ơn giết tôi đi.” Vừa nói, Autua vừa nhét con dao vào tay của Ewing, đưa lên cổ mình. Với mình, đoạn phim này có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ. Trong giới học thuật, nhiều giáo sư tập trung vào khoa học, tránh nói chuyện chính trị nên ban đầu mình cũng không quan tâm lắm. Nhưng về sau, mình nhận ra rằng mình “không quan tâm” và “không đấu tranh” là vì những cái chuyện đấy không ảnh hưởng đến mình – mình có đặc quyền, privilege. Chính vì thế, việc không lên tiếng đồng nghĩa với việc hùa theo số đông, để ra ngoài lề những nhóm nhỏ, thiểu số. “Không phân biệt chủng tộc” là chưa đủ, gần như là thỏa hiệp với cái xấu. Mỗi người chúng ta cần phải chủ động chống phân biệt chủng tộc. Nếu chúng ta làm được như thế với chủ nghĩa phát xít thì tại sao lại không làm vậy với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc?

Mình kêu gọi mọi người chia sẻ mẩu lịch sử này với bạn bè và người thân, để họ hiểu là không phải người da đen thì bạo lực. Để họ hiểu không phải người da đen thì xấu, hôi và bẩn. Để họ hiểu là cho dù chế độ nô lệ đã kết thúc hơn một thế kỉ trước, người da đen vẫn bị áp bức, từ những cá nhân công dân Mĩ và từ chính quyền.


2 All fonts must be embedded | All posts | 9 things I can't tech without 1